Nhiệm kỳ Tổng thống thứ ba Vladimir_Vladimirovich_Putin

Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng phu nhân là bà Lyudmila PutinaBiểu tình phản đối Putin trên đường phố Moscow vào tháng 2 năm 2012

Nước Nga đã phát triển bùng nổ trong hai nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên của Putin từ năm 2000 đến năm 2008 nhờ giá dầu và giá các mặt hàng xuất khẩu của nước này tăng cao trong giai đoạn này. Tăng trưởng trung bình hàng năm của Nga trong giai đoạn này lên tới mức 7% và Putin cam kết sẽ nhanh chóng đưa nền kinh tế Nga trở lại các mức tăng trưởng cao này sau khi Nga bị suy giảm tới 7,9% trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008-2009.

Bộ trưởng Kinh tế Nga Alexei Ulyukayev cảnh báo rằng nước Nga có nguy cơ đối mặt với tăng trưởng thấp do Điện Kremlin không thực hiện các cải cách trong khi giá dầu vẫn ở mức cao. Ulyukayev đã dự báo mức tăng trưởng GDP trung bình hàng năm của Nga chỉ khoảng từ 2,5% - 3,0% từ nay cho đến tận năm 2025. Khu vực dầu mỏ và khí đốt tự nhiên của Nga chiếm tới gần 25% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và khoảng 30% tổng thu nhập ngân sách quốc gia. Ngoài ra, bộ máy hành chính cồng kềnh, quan liêu ngày càng phình to và chi tiêu quốc gia thiếu hiệu quả cũng là những nhân tố cản trở tới mức tăng trưởng.

Vào ngày 4 tháng 3 năm 2012, Putin đắc cử Tổng thống Nga nhiệm kỳ thứ 3, với 63,6% số phiếu bầu. Phe đối lập với ông đã liên tục cáo buộc bầu cử bị gian lận. Nhiều cuộc biểu tình chống Putin đã diễn ra ngay trong và sau chiến dịch tranh cử tổng thống. Khoảng 20.000 người đã tụ tập tại Moscow vào ngày 6 tháng 5 để phản đối việc Putin nắm quyền tổng thống thêm một nhiệm kỳ nữa. Đã xảy ra đụng độ, khoảng 30 cảnh sát bị thương và hàng trăm người bị bắt.[25][26][27][28] Một cuộc tập hợp của 130.000 người ủng hộ Putin cũng diễn ra khi ông phát biểu tại sân vận động Luzhniki ở Moscow, tuy vậy có những thông tin cho rằng một số người trong số đó là lao động do chủ cử đến, hoặc nhận tiền để đến, một số khác thì cho biết rằng họ tham gia vì lầm tưởng rằng đây là một lễ hội dân gian nào đó chứ không hề có ý tới để ủng hộ cho ông Putin[29][30][31][32]

Vào năm 2014, quân đội Nga đã thực hiện một số cuộc xâm nhập trái phép vào lãnh thổ Ukraine. Sau cuộc biểu tình Euromaidan và sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych, lực lượng vũ trang đặc biệt của Nga đã nhanh chóng kiểm soát các vị trí chiến lược và cơ sở hạ tầng trong phạm vi lãnh thổ Ukraine của Crimea. Nga sau đó đã sáp nhập Crimea sau cuộc trưng cầu dân ý, khi mà người dân Crimea bỏ phiếu sáp nhập vùng lãnh thổ này vào Liên bang Nga. Sau đó, các cuộc biểu tình của các nhóm thân Nga ở vùng Donbass của Ukraine đã leo thang thành một cuộc xung đột vũ trang giữa chính phủ Ukraine và lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn tại DonetskLugansk. Các quốc gia phương Tây và các tổ chức như Tổ chức Ân xá quốc tế đã lên án Nga vì những hành động của họ ở Ukraine sau cuộc cách mạng, cáo buộc Nga vi phạm luật pháp quốc tế và vi phạm chủ quyền của Ukraine. Nhiều quốc gia áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga. Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua nghị quyết tuyên bố rằng cuộc trưng cầu dân ý không hợp lệ, và sự sáp nhập Crimea vào Nga là bất hợp pháp.[33][34]

Các động thái của Putin đối với vấn đề Ukraine hoàn toàn mâu thuẫn với tuyên bố trước đó của ông (vào năm 2008, chính Putin đã từng khẳng định rằng Crimea là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Ukraine và tuyên bố Nga không hề có ý định xâm phạm chủ quyền của Ukraine) [35]. Giữa năm 2014, tỷ lệ ủng hộ ông Putin đã tăng vọt sau khi Nga sáp nhập Crimea. Với sự kiện sáp nhập Crimea, người dân Nga đã lại có cơ hội để nhớ về vị trí siêu cường như trước đây. Theo TASS, kết quả khảo sát của hãng điều tra VTSIOM công bố ngày 3/8/2017 cho thấy tỉ lệ ủng hộ ông Vladimir Putin ở cương vị Tổng thống Nga là 83,5% vào cuối tháng 7/2017[36]. Tuy vậy theo một cuộc khảo sát được tiến hành ở Nga vào năm 2018, chỉ có 39% người Nga tham gia khảo sát tin rằng việc sáp nhập Crimea mang đến nhiều lợi ích hơn là gây ra những thiệt hại cho đất nước mình [37].

Cuối 2014, Nga lâm vào cuộc cuộc khủng hoảng tài chính sâu sắc dẫn tới sự suy giảm nhanh chóng giá trị của đồng rúp Nga đối với các đồng tiền khác trong năm 2014 và suy thoái trong nền kinh tế Nga.[38][39] Hai trong số những yếu tố chính góp phần vào sự suy giảm kinh tế Nga là do việc các nước phương Tây áp đặt trừng phạt kinh tế do sự can thiệp quân sự của Nga ở Ukraina[39] và việc giảm giá của dầu thô, là mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Nga, giảm giá gần 50% so với mức cao của năm trong tháng 6 năm 2014 đến ngày 16 tháng 12 năm 2014.[38][40]. Khủng hoảng này đã ảnh hưởng đến nền kinh tế Nga, bao gồm cả người tiêu dùng và các công ty, cũng như có một tác động tiêu cực đến thị trường tài chính toàn cầu. Thực tế đã cho thấy, chính người dân Nga đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do tác động của những biện pháp trừng phạt này mang lại. Lệnh cấm vận của Phương Tây cũng đã ảnh hưởng đáng kể đến sản xuất và tiêu dùng của Nga. Việc giá cả sẽ tăng do tình trạng thiếu hụt và lạm phát tăng, dẫn đến tiết kiệm giảm, tiền lương giảm và thất nghiệp gia tăng, hệ quả là chất lượng cuộc sống của người dân Nga giảm sút, đặc biệt là các gia đình trung lưu và những người Nga nghèo. Ngay trong năm 2015, mức tăng trưởng GDP của Nga giảm 3,7%. Đây là mức giảm kỷ lục kể từ sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2009, theo thời báo tài chính Financial Time [41]. Vào năm 2016, mức lương trung bình của người Nga bị sụt giảm xuống chỉ còn 450 USD một tháng (so với mức 967 USD một tháng vào năm 2013), thấp hơn cả Trung QuốcBa Lan [42]. Tỉ lệ người nghèo ở Nga đang có chiều hướng gia tăng, từ 16.1 triệu người sống dưới mức nghèo trong năm 2015 đã nhảy vọt lên con số 19.2 triệu người vào năm 2016 [43]. Đồng rúp của Nga cũng liên tục mất giá. Tính đến tháng 3 năm 2016, giá trị của đồng rúp chỉ còn bằng 50% so với thời điểm tháng 7 năm 2014 [44].

Sau 2 năm suy giảm, đến cuối năm 2017, sau những cải cách của chính phủ, kinh tế Nga trên đà hồi phục và có mức tăng trưởng khá khả quan. Bối cảnh quốc tế cũng khả quan hơn khi giá dầu thế giới tăng và lần lượt vượt các mốc 60USD/thùng, 70USD/thùng - cao nhất trong 3 năm qua. Ngân hàng Goldman Sachs đầu năm 2018 dự báo tăng trưởng kinh tế Nga sẽ đạt 3,3% trong năm 2018, cao hơn cả những ước tính của chính phủ nước này. Chi tiêu tiêu dùng đang tăng. Lạm phát đã giảm xuống còn dưới 2%.[45] Tuy vậy theo một cuộc khảo sát với 1.400 nhà quản lý doanh nghiệp ở Nga vào năm 2018, hơn 3/4 số người tham gia khảo sát (tỉ lệ 76%) đã đánh giá tình trạng của nền kinh tế Nga hiện nay là "khủng hoảng và thảm khốc", trong khi chỉ 4% cho rằng nền kinh tế đất nước đang hoạt động tốt [46].

Vào ngày 30 tháng 9 năm 2015, Tổng thống Putin đã cho phép quân đội Nga can thiệp quân sự vào cuộc Nội chiến Syria, sau khi có lời yêu cầu chính thức của chính phủ Syria nhằm giúp đỡ quân đội nước này chống lại phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng và các nhóm thánh chiến được Phương Tây bảo trợ. Đến tháng 3 năm 2017, phần lớn quân đội Nga đã rút khỏi Syria, tuy nhiên Nga vẫn duy trì một nhóm tác chiến không quân và cố vấn quân sự để hỗ trợ quân đội Syria.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Vladimir_Vladimirovich_Putin //nla.gov.au/anbd.aut-an49284054 http://www.bbc.com/news/world-europe-43452449 http://www.bbc.com/vietnamese/world-41891006 http://www.bloomberg.com/news/ng%C3%A0y http://www.britannica.com/EBchecked/topic/484357 http://www.cbsnews.com/news/putin-talks-gay-rights... http://www.cbsnews.com/stories/2005/05/07/60minute... http://edition.cnn.com/2017/09/05/asia/north-korea... http://www.csmonitor.com/2006/0519/p01s04-woeu.htm... http://www.fightingarts.com/content01/putin.html